Có nhiều cách để bạn và cộng đồng tự bảo vệ không bị lây nhiễm HIV/AIDS đó là thay đổi hành vi trong tiếp xúc hàng ngày và sử dụng bao cao su (BCS) trong quan hệ tình dục (QHTD). Hiện nay với sự phát triển của Y học, PrEP ra đời đời như là một giải pháp “cứu cánh” cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV (sau đây gọi tắt là người sử dụng) trong việc dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS.
PrEP là gì?
PrEP là chữ viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis, là hành vi sử dụng thuốc trước các hành vi nguy cơ có khả năng phơi nhiễm với HIV như QHTD hoặc tiêm chích mà không dùng các biện pháp phòng ngừa. Đây là cách để người sử dụng bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày. Nếu sử dụng đều đặn và đúng cách PrEP có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV tới 90% người sử dụng.
Đối tượng sử dụng và liều dùng
Loại thuốc được sử dụng có thành phần kết hợp từ hai thành phần là Tenofovir và Emtricitabine (hay còn gọi là PrEP) rất phù hợp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; chuyển giới nữ; các cặp dị nhiễm HIV. Vi rút HIV cần một loại Enzym tên là Transcriptase để nhân bản trong cơ thể, PrEP ngăn chặn Enzym này khiến vi rút HIV không thể sinh sôi để làm cơ thể bị lây nhiễm.
PrEP không thích hợp chống chỉ định cho một số đối tượng như: đã mắc HIV; có dấu hiệu nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV; chức năng thận suy giảm; dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP.
Dùng PrEP rất đơn giản, uống mỗi ngày 1 viên và duy trì suốt thời gian có nguy cơ lây nhiễm, 07 ngày sau khi sử dụng, thuốc có tác dụng dự phòng tối đa đối với QHTD qua đường hậu môn. Với QHTD qua đường âm đạo, thời gian để thuốc phát huy tác dụng tối đa là 21 ngày kể từ khi bắt đầu sử dụng.
Một số hiểu lầm
Vì PrEP là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV mới, nên người sử dụng còn có một số hiểu lầm về nó.
Hiểu lầm thứ nhất “sử dụng PrEP thì không cần sử dụng BCS trong QHTD”: PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV chứ không thể dự phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Vì vậy, nếu người sử dụng muốn tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì vẫn phải sử dụng BCS và chất bôi trơn.
Hiểu lầm thứ hai “PrEP gây nhiều tác dụng phụ”: về cơ bản, PrEP rất an toàn và không gây tác dụng phụ với 90% người sử dụng, chỉ có 10% người sử dụng chịu tác dụng phụ nhẹ như: buồn nôn; chóng mặt; buồn nôn; chán ăn; đầy hơi hoặc đi ngoài;…các triệu chứng này sẽ hết sau một vài ngày sử dụng thuốc.
Hiểu lầm thứ ba “đã dùng PrEP là phải dùng suốt đời”: để PrEP phát huy tác dụng thì phải dùng hàng ngày nhưng điều đó không có nghĩa là phải dùng suốt đời. Nếu người dùng PrEP không còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nữa thì có thể xin tư vấn của Bác sĩ và ngừng sử dụng PrEP. Lưu ý, người dùng cần duy trì uống thuốc tới 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
Hiểu lầm thứ tư “người nhiễm HIV rồi, có thể dùng PrEP để điều trị”: những người đã có kết quả HIV dương tính (HIV+) không được dùng PrEP, vì thuốc chỉ phòng ngừa trước khi lây nhiễm HIV nếu đã bị nhiễm HIV rồi thì cần có các loại thuốc khác để điều trị. Vậy nên trước khi dùng PrEP, cần phải xét nghiệm HIV sau đó xét nghiệm lại 03 tháng 01 lần.
Hiểu lầm thứ năm “PrEP không thể bảo vệ khỏi nhiễm HIV”: Nếu khách hàng bị nhiễm HIV có thể do tuân thủ điều trị PrEP kém, hoặc khởi động liều PrEP khi đã nhiễm HIV ở giai đoạn cấp.
Hiểu lầm thứ sáu “PrEP có thể thất bại”: Khi đã tuân thủ tốt, PrEP thất bại rất hiếm gặp, chỉ 6/500.000 trường hợp dùng PrEP trên thế giới. Đa số các trường hợp này PrEP không hiệu quả liên quan đến vi rút kháng đa thuốc (rất hiếm, chỉ <1.0%).
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã chính thức được triển khai tại Bệnh viện đa khoa Thuỷ Nguyên tử tháng 6 năm 2021, khách hàng đến Phòng khám ngoại trú, Khoa Bệnh Nhiệt đới sẽ được tư vấn, làm xét nghiệm lựa chọn hình thức dự phòng phù hợp, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp phát thuốc PrEP hoàn toàn miễn phí.
BẢN QUYỀN © 2021 THUỘC VỀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA THÀNH PHỐ THỦY NGUYÊN. THIẾT KẾ WEBSITE BỆNH VIỆN BỞI 3SSOFT.VN